Friday, May 11, 2018

Ngọn núi Triều Tiên xê dịch hơn ba mét do thử hạt nhân

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy núi Mantap, nơi Triều Tiên tiến hành thử bom hạt nhân, xê dịch khoảng 3,5 mét do ảnh hưởng của vụ nổ.

Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất ở bãi thử Punggye-ri hôm 3/9/2017 và đây là vụ thử lớn nhất từ trước tới nay, tạo ra rung chấn tương đương động đất 6,3 độ theo ghi nhận từ máy cảm biến, Live Science đưa tin. Khoảng 8 phút sau vụ thử, các nhà địa chất học phát hiện rung chấn nhỏ hơn cỡ 4,1 độ, dẫn tới suy đoán bãi thử hạt nhân bên trong lòng núi đã sụp đổ.

Việc sụp đổ có thể khiến bãi thử không còn phù hợp cho các thử nghiệm hạt nhân trong tương lai, thậm chí làm tăng nguy cơ bụi phóng xạ thoát khỏi lớp đất đá và lan rộng trong không khí. Khả năng xảy ra hiện tượng mang tên “hội chứng núi mỏi” này càng cao hơn khi cách đây ba tuần, Triều Tiên tuyên bố kế hoạch đóng cửa cơ sở thử nghiệm chính ở núi Mantap, nơi diễn ra 5 trong tổng số 6 vụ thử. Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Geophysical Research Letters, một nhóm nhà địa chất học Trung Quốc, khẳng định ngọn núi đã sụp đổ sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất.

Ngọn núi Triều Tiên xê dịch hơn ba mét do thử hạt nhân
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong ảnh chụp từ vệ tinh.

Trong báo cáo mới đăng trên tạp chí Science hôm qua, các nhà khoa học sử dụng hình ảnh vệ tinh và phát hiện núi Mantap thực chất đã xê dịch và bị nén chặt sau vụ nổ. Nhưng theo nhóm nghiên cứu, ngọn núi và bãi thử có thể chưa sụp đổ hoàn toàn.

Trước đây, giới nghiên cứu đo những vụ nổ hạt nhân thông qua rung chấn của mặt đất mà vụ nổ gây ra, sử dụng dữ liệu địa chấn tương tự như cách đo động đất. Nhưng trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học quốc tế phân tích ảnh vệ tinh do vệ tinh TerraSar-X của Đức và ALOS-2 của Nhật Bản chụp lại, và so sánh khung cảnh núi Mantap trước và sau vụ nổ. Các vệ tinh này sử dụng radar khẩu độ tổng hợp, truyền sóng điện từ xuống Trái Đất và đo ánh sáng phản chiếu sau đó, theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA). Công nghệ có thể tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu và ánh sáng kém do vi sóng có thể xuyên qua những đám mây.

Qua ảnh vệ tinh, nhóm nghiên cứu tính toán núi Mantap xê dịch khoảng 3,5 mét và co lại 0,5 mét. Điều này hé lộ sự sụp đổ của đường hầm bên trong núi theo Teng Wang, nghiên cứu sinh cấp cao ở Đài quan sát Trái Đất của Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang. “Nhưng chúng tôi không thể kết luận có phải cả bãi thử và đường hầm đã sụp đổ hoàn toàn hay không vì không có bằng chứng trực tiếp chứng minh“, Wang, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Rung chấn ở mặt đất có thể là kết quả từ sự sụp đổ của một khoảng rỗng trong đất đá do vụ nổ trước đó hoặc vụ nổ gần nhất tạo ra, theo Douglas Dreger, giáo sư khoa học Trái Đất và hành tinh ở Đại học California, Berkeley, đồng tác giả nghiên cứu. Nhóm của Wang và Dreger ước tính độ mạnh của vụ nổ vào khoảng 120 – 130 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Previous Post
Next Post

BÀI VIÊT ĐƯỢC ĐĂNG BỞI: