Việc chuyển đổi tuổi chó sang tuổi người là hoàn toàn có thể, nhưng nó không đơn giản chỉ giải quyết bằng một phép nhân.
Nếu là một người nuôi chó, có lẽ bạn đã quen thuộc với cách ước tính này. Đây có thể là cách giúp bạn ước lệ xem chú chó của mình còn sống với mình thêm bao lâu nữa, nhưng khi nói đến tính chính xác, có vẻ như khoa học không hoàn toàn đồng tình với công thức “1 năm tuổi người bằng 7 năm tuổi chó” này.
Việc chuyển đổi tuổi chó sang tuổi người là hoàn toàn có thể, nhưng nó không đơn giản chỉ giải quyết bằng một phép nhân. Nguyên nhân là vì quá trình lão hóa của chó và của người không hoàn toàn tương quan tuyến tính với nhau, và mức độ tương quan lại dao động phụ thuộc vào hai yếu tố là chủng loại và kích thước.
Có những loài chó phát triển rất nhanh trong những năm đầu, với hệ số gấp 20 lần con người, sau đó tốc độ này dần giảm xuống cho tới khi chúng đạt tỉ lệ 5:1. Đây là cách tính chung với đại đa số các loài chó: hầu hết chúng đều cán mốc 15 tuổi trong năm đầu đời của mình, ngưỡng tuổi bắt đầu có thể sinh đẻ. Đến sinh nhật lần hai, chúng tăng thêm 9 năm tuổi người và đạt mốc 24 tuổi. Và sau đó, mọi chuyện tùy thuộc vào kích thước loài chó. Với các chú chó nhỏ, chúng sẽ già thêm 4 năm với mỗi năm tuổi người, trong khi với các chú chó kích thước trung bình, con số này là từ 4 đến 5 năm, và với các loài chó lớn, đó là từ 5 đến 6 năm.
Nếu tính lẻ từng năm một, con số này có lẽ không quá khác biệt, nhưng nếu tính theo mốc thập kỷ, sự khác biệt có thể lên tới 10, thậm chí 20 năm. Với các loài chó lớn, mốc lão thành của chúng sẽ là 5 tuổi, trong khi con số này lần lượt với các loài chó trung bình và nhỏ là 6 và 7 tuổi.
Vậy nên, đừng quá bi quan nếu chú chó của bạn đã bắt đầu lớn tuổi. Rất có thể, chúng sẽ còn ở lại và mang lại cho bạn vô số niềm vui trong một vài năm nữa.
Tham khảo: Howstuffworks
0 comments: