Tuesday, May 15, 2018

NASA sắp công bố phát hiện mới về mặt trăng sao Mộc tối nay

Buổi họp báo của NASA sẽ hé lộ những phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với tìm kiếm sự sống trên mặt trăng Europa của sao Mộc.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tổ chức họp báo trực tuyến công bố phân tích mới nhất về mặt trăng Europa của sao Mộc, một trong những địa điểm hứa hẹn nhất để tìm kiếm sự sống trong hệ Mặt Trời. Buổi họp báo sẽ diễn ra vào 1 giờ chiều ngày 14/5 ở Mỹ tức 0 giờ đêm ngày 15/5 theo giờ Việt Nam, IFL Science đưa tin.
NASA sắp công bố phát hiện mới về mặt trăng sao Mộc tối nay
Đại dương ẩn dưới mặt trăng Europa có thể chứa sự sống. (Ảnh: NASA.)
Lori Glaze, giám đốc Ban Khoa học Hành tinh (PSD) của NASA và JoAnna Wendel, trưởng nhóm truyền thông của PSD, sẽ chủ trì buổi họp báo. Các khách mời bao gồm Xianzhe Jia, phó giáo sư khoa Khoa học Khí tượng và Vũ trụ ở Đại học Michigan, Ann Arbor; Elizabeth Turtle, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins tại Laurel, Maryland; Margaret Kivelson, giáo sư danh dự Vật lý Vũ trụ ở khoa Khoa học Trái Đất và Vũ trụ tại Đại học California, Los Angeles.

Mặt trăng Europa thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà thiên văn học. Năm 2022, NASA dự định phóng tàu vũ trụ tới mặt trăng này để nghiên cứu chi tiết. Mang tên Europa Clipper, tàu sẽ bay ở quỹ đạo rộng quanh sao Mộc và lao xuống sát bề mặt thiên thể trong 45 lần bay. Giới nghiên cứu cho rằng mặt trăng đóng băng của sao Mộc có một đại dương ngầm ẩn sâu bên dưới bề mặt. Phi vụ cũng có thể bao gồm triển khai thiết bị đổ bộ.

“Europa từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu để thám hiểm bởi bên dưới lớp vỏ băng của nó là đại dương lỏng chứa nước biển, Tàu Europa Clipper của NASA, dự kiến phóng năm 2022, sẽ trang bị những thiết bị cần thiết để xác định liệu Europa có chứa nguyên liệu hỗ trợ sự sống như chúng ta biết tới hay không”, NASA cho biết.

Năm 2016, dữ liệu từ kính viễn vọng vũ trụ Hubble chỉ ra có thể tồn tại cột phun từ đại dương trên Europa, tương tự mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Những cột phun này rất hữu ích, vì chúng cho phép lấy mẫu vật từ đại dương mà không cần xuống dưới lớp băng.
Previous Post
Next Post

BÀI VIÊT ĐƯỢC ĐĂNG BỞI:

0 comments: