Đội quân bao gồm 8.000 chiến binh nung bằng đất sét được tạo ra vào năm 250 trước Công nguyên nhằm canh gác lăng mộ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng. Đây là di sản thế giới do tổ chức UNESCO công nhận và biểu tượng về trình độ sáng tạo nghệ thuật và quân sự tinh xảo của người Trung Quốc cổ đại.
Ông Zhao Kangmin là nhà khảo cổ đầu tiên ghép các mảnh vỡ thành tượng đất nung hoàn chỉnh. Video: People's Daily/AFP.
Zhao công tác khảo cổ trong hơn 40 năm và quản lý Bảo tàng quận Lâm Đồng ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc. Ông là người đầu tiên khai quật di chỉ sau khi được người dân địa phương thông báo những mảnh vỡ đất nung có thể có ý nghĩa quan trọng. Ông chỉ đạo nông dân thu gom số mảnh vỡ và chất lên ba chiếc xe tải chở tới bảo tàng. Tại đây, Zhao mất hơn ba ngày kỳ công gắn keo mảnh vỡ rất nhỏ để ghép thành hai tượng chiến binh đầu tiên, theo lời kể của chính ông trên tờ báo địa phương.
Zhao cũng là người đầu tiên đặt tên cho các bức tượng lớn bằng người thật. Khi giới thiệu hai bức tượng cao gần 1,8 mét với phóng viên vào tháng 4/1974, ông nói: "Đây là một chiến binh đất nung dưới thời nhà Tần".
"Tôi tới khu vực khai quật cùng với một cán bộ khác. Do quá phấn khích, chúng tôi đạp xe nhanh như bay. Người giám sát bảo với chúng tôi những người đàn ông đào giếng tìm thấy phần đầu và tay chân của 6 - 7 tượng đất nung. Ai đó đã mang một chiếc đầu về nhà và cột ở kho thóc để xua chuột", Zhao kể lại.
Bài báo viết về công trình của Zhao đăng trên trang Xinhua thu hút sự chú ý của các nhà chức trách ở Bắc Kinh. Đoàn khảo cổ học đông hơn được phái tới để khai quật di chỉ cùng với Zhao. Quốc vụ viện Trung Quốc sau đó công nhận Zhao là người phát hiện những chiến binh đất nung được điêu khắc mỉ tới từng nét mặt, trang phục, vũ khí và kiểu tóc.